Đề tài KHKT: Khử mùi hôi phân gà
Phần I. MỞ ĐẦU –LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI.
Thực phẩm bẩn và ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề nóng và báo động ở Việt Nam làm tỉ lệ mắc các bệnh trong đó có bệnh ung thư ngày càng tăng. Để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, nhiều gia đình ở Việt Nam cả thành thị và nông thôn đạng tạm thời chọn giải pháp tự cung cấp một số thực phẩm trong đó nuôi gà và trồng rau sạch là lựa chọn phổ biến và dễ thự hiện . Thực tế gia đình em và một số gia đình xung quanh cũng đang nuôi gà để làm thực phẩm sạch cho gia đình .
Em được biết , thịt gà là một loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng chứa ít cholesterol xấu, thịt ngon, dễ chế biến, dễ nuôi. Gia đình nào cũng có thể nuôi được vài con đến vài chục con. Tuy nhiên phân gà thải ra hàng ngày là loại phân ướt có mùi hôi thối, tanh nồng rất khó chiụ và có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Ngoài ra phân gà ướt không được xử lý sẽ tạo môi trường cho các vi khuẩn gây hại phát triển mạnh và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người .
Đã có nhiều nghiên cứu và ứng dụng để xử lý mùi hôi của phân gà như :
+ Rải trấu: Phương pháp này dễ làm từ trước dến nay vẫn được nhiều gia đình áp dụng . Tuy nhiên người chăn nuôi phải tiến hành thay trấu thường xuyên. Trấu thay ra vẫn có mùi rất thối . Việc xử lý trấu thay ra để chống ô nhiễm moi trường và sử dụng làm phân bón phải mất thêm nhiều công đoạn và cần có nơi để ủ phân trong vài tháng.
+ Trên quy mô chăn nuôi lớn người ta có thể dùng các chế phẩm sinh học để khử mùi hôi của phân gà. Tuy nhiên đối với các hộ chăn nuôi nhỏ thì phương pháp này chưa được
thực hiện vì tốn kém và phải qua nhiều công đoạn .
Nhận thức được vấn đề trên , qua thự tế quan sát , tìm tòi học hỏi em đã tìm ra một loại chất thải có thể xử lí mùi hôi của phân gà có hiệu quả rất cao đó là : Xỉ than tổ ong, loại phế thải từ việc đun nấu, dễ kiếm, không phải mua.
Phần II. TỔNG QUAN ĐỀ TÀI VÀ ĐIỂM MỚI SÁNG TẠO CỦA ĐỀ TÀI .
- Giới thiệu sơ lược về đề tài.
Đề tài tập trung nghiên cứu tác dụng của xỉ than tổ ong trong quá trình xử lý chất thải từ chăn nuôi gà và ứng dụng làm phân bón trong trồng trọt. Cụ thể là, dùng xỉ than tổ ong đập nhỏ trộn với một ít vôi bột hoặc trộn xỉ than với trấu hoặc mùn cưa cùng với vôi bột làm chất rải nền chuồng gà.
- Mục tiêu của đề tài
+ Xử lý mùi hôi thối của phân gà để giảm ô nhiễm môi trường .
+ Giúp chuồng gà luôn khô ráo, gà sẽ ít bị nhiễm bệnh và không ảnh hưởng đến sức khỏe của người chăn nuôi .
+ Tiết kiệm thời gian và công sức dọn chuồng gà.
+ Xỉ than lẫn phân gà thay ra có thể tận dụng để làm phân bón trực tiếp cho cây trồng trên cạn.
- Điểm mới sáng tạo
+ Nguyên liệu dùng chính là xỉ than, đây là một chất thải trong quá trình đun bếp bỏ đi, thông thường chỉ được dùng để san lấp đường lầy hoặc cho lẫn vào rác thải, đây là một loại nguyên loại dễ kiếm , không tốn tiền.
+ Dùng xỉ than tổ ong để xử lý phân gà đó làm phân bón cho cây trồng góp phần tăng năng suất cây trồng; cải tạo đất canh tác… đồng thời làm giảm được lượng rác thải góp phần làm sạch môi trường.
+ Xỉ than hút mùi hôi thối và nước trong phân gà sẽ đạt được mục đích :
- Làm cho chuồng gà luôn khô ráo giảm nguy cơ nhiễm bệnh cho gà.
- Khử mùi hôi thối sinh ra từ phân gà.
+ Sử dụng được lâu hơn các nguyên liệu khác : Khi sử dụng xỉ than tổ ong lót nền chuồng gà thì khoảng hai tháng hoặc lâu hơn mới phải dọn chuồng một lần tùy vào số lượng gà và cách làm chuồng. Do vậy tiết kiệm thời gian và đỡ tốn công sức cho người chăn nuôi gà.
+ Tận dụng hỗn hợp thay ra làm phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trên cạn và vệ sinh môi trường .
+ Phương pháp dễ tiến hành, rẻ tiền hiệu quả cao có thể áp dụng rộng rãi cho các hộ chăn nuôi nhỏ.
Phần III. QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU VÀ KẾT QUẢ.
Sau khi có ý tưởng em định hướng phương pháp nghiên cứu như sau:
+ Quan sát thực tế
+ Thu thập thông tin
+ Thực nghiệm
+ Theo dõi kết quả và kết luận.
- Quan sát thực tế và định hướng nghiên cứu.
Em là con nhà nông. Em được sinh ra tại quê hương Lãng Sơn là một xã miền núi của huyện Yên Dũng. Từ nhỏ em rất thích nuôi những con vật như : Gà, ngan, chó, mèo. Khi vào học cấp 2 em đã được giúp bố mẹ chăm sóc đàn gà của gia đình.
Mỗi lứa mẹ em nuôi khoảng 30 đến 40 con gà. Mỗi con gà giống mới mua nặng khoảng 0,3 đến 0,5 kg. Hàng ngày ngoài việc chế biến thực ăn cho gà mẹ em phải quét dọn và rửa chuồng mất rất nhiều thời gian và công sức. Sau đó mẹ em đã khắc phục bằng cách rải trấu thóc xuống nền chuồng dày khoảng 4 -5 cm. Sau khoảng 5 ngày đến một tuần hoặc với những ngày độ ẩm không khí cao thì hỗn hợp trấu lẫn phân trong chuồng bị ướt và kèm theo mùi thối của phân gà bốc lên và do nền chuồng bị ướt nên gà hay bị bệnh chủ yếu là bệnh đường ruột . Vì vậy hàng tuần em phải cùng mẹ cạo, quét trấu trong chuồng gà cho vào bao để làm phân bón cho cây. Lúc này phân gà vẫn bốc lên mùi hôi thối rất khó chịu, phải một tháng sau mới hết mùi .
Qua một quá trình tìm hiểu, chúng em được biết xỉ than tổ ong (loại than được đóng bằng các khối trụ mà các gia đình sử dụng đun bếp thải ra) có thể dùng hút ẩm rất tốt và em được biết người ta còn dùng than hoạt tính (than nung ở nhiệt độ cao) để khử mùi tanh của giếng khoan. Vậy liệu xỉ than có thể khử được mùi hôi của phân gà và làm khô chuồng không? Từ đó em tìm hiểu kĩ về công dụng của các loại xỉ than và tiến hành thực nghiệm. Kết quả đã đạt được mục đích mà chúng em đề ra.
- Quá trình nghiên cứu tài liệu thu thập thông tin.
Trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu em thu được thông tin như sau :
+ Phân gà
- Theo kiến thức sinh học lớp 7 gà (thuộc lớp chim) có xoang huyệt là nơi chứa chung phân và nước tiểu nên phân thải ra dạng loãng, chứa tới 56 % là nước.
- Gà có thân nhiệt cao, trao đổi chất mạnh, thải phân nhiều lần trong một ngày.
- Phân gà là chất hữu cơ có thành phần dinh dưỡng cao hơn so với các loại phân hữu cơ khác cụ thể : N là 1,6 -1,7 % ; P2O5 : 0,5 -0,6 %; K2O : 0,85% ; CaO : 2,4% (theo bài viết của tiến sĩ Dương Hoa Xô – Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đăng trên website của bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 15/12/2005) ở dạng hoai mục có thể làm phân bón rất tốt .
- Trong phân gà chứa nhiều chất Ammonica tạo mùi hoi thối và một số vi khuẩn gây bệnh gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của gà .
– Gà là loại ưa sống khô ráo, nếu thường xuyên phải đứng trên phân gà ướt thì rất chậm phát triển và dễ mắc bệnh.
Hiện nay đã có một số phương pháp xử lý mùi hôi và tận dụng phân gà làm các chế phẩm khác như :
Dùng chế phẩm sinh học như : Enpro.1 hoặc Balasa N.01…… để rải nền chuồng rất tốt nhưng thường chỉ áp dụng cho các quy mô chăn nuôi lớn vì phải mua chế phẩm sinh học và quá trình ủ men tương đối phức tạp .
Đối với các hộ gia đình ở nông thôn thường rải trấu xuống nền, khoảng 4- 5 ngày hoặc một tuần là phải thay trấu dọn chuồng do trấu bị ướt . Trấu dọn ra cho vào bao để ủ làm phân bón. Phương pháp này ít tốn kém nguyên vật liệu nhưng tốn công và chất thải hỗn hợp vẫn có mùi hôi thối thậm chí có cả ruồi nhặng bám quanh hàng tháng và phải ủ phân khoảng 3 tháng mới được bón cây.
+ Xỉ than tổ ong .
– Tính hút ẩm và hút mùi.
Sau khi than bị đốt ở nhiệt độ cao xỉ còn lại có diện tích bề mặt trên một đơn vị thể tích rất lớn . Điều này có thể quan sát trực tiếp là xỉ than rất xốp, có nhiều lỗ nhỏ trên bề mặt. Theo các chuyên gia dã nghiên cứu thì lỗ nhỏ này chỉ có kích thước vài micrômét. Các bề mặt này có lực hút vật lí lớn (lực hấp phụ) có thể hút nước và hấp thụ các tạp chất lẫn trong nước và trong không khí.
Thực tế trong công nghiệp đã ứng dụng tính chất này để chế tạo than hoạt tính bằng cách đốt nóng than mỏ hoặc các sản phẩm cá nhiều cácbon ở nhiệt độ cao (quá trình hoạt hóa than) và thu được sản phẩm là than hoạt tính . Than hoạt tính đã được ứng dụng tốt trong công nghệ xử lí nước, khí trong sinh hoạt và trong công nghệ xử lí nước thải.
Do vậy xỉ than cũng có tính chất tương tự như một loại than hoạt tính , có thể sử dụng làm vật liệu hút khô nước và hút mùi thối trong phân gà.
- Tính diệt khuẩn
Hiện chưa có công trình nghiên cứu cho thấy trong xỉ than có chất tiêu diệt vi khuẩn trực tiếp. Tuy nhiên qua trương trình học ở trường em được biết: Các vi sinh vật gây bệnh thường là sinh vật đơn bào. Chúng có cấu tạo rất đơn giản, trong điều kiện thuận lợi như có độ ẩm và nhiệt độ cao, môi trường có chất hữu cơ chúng sẽ sinh sản rất nhanh bằng cách phân đôi theo cấp số nhân. Nhưng ở môi trường sống bất lợi như: môi trường luôn khô ráo, chúng chất rất nhanh hoặc không có khả năng sinh sản.
Môi trường khô ráo còn làm trứng giun sán không phát triển thành ấu trùng trong trứng được .
Từ các thông tin thu thập được trên đây em thấy rằng có thể sử dụng xỉ than dể làm khô và khử mùi hôi thối trong phân gà. Tuy nhiên việc diệt khuẩn và phòng chống các dịch bệnh xuất phát từ phân gà còn là vấn đề cần phải tìm hiểu thêm.
+ Vôi bột
Qua quan sát thực tế và tìm hiểu qua các tài liệu em được biết : vôi bột là nguyên liệu có tính diệt khuẩn và khử mùi hôi thối rất tốt, thường dùng làm vật liệu vệ sinh môi trường chống lây bệnh.
Vôi bột còn là một nguyên liệu dùng phòng các bệnh cúm gia cầm có thể lây sang người như : H5N1, H6N6… (Nguồn từ PGS.TS Nguyễn Hữu Nam) đăng trên tạp chí Khuyến nông số 20/2014 của Bộ NN và PT nông thôn)
- Tiến hành thực nghiệm.
- Từ các thông tin thu thập được em đã dùng xỉ than kết hợp với vôi bột làm hỗn hợp rải lót chuồng gà và tiến hành thực nghiệm.
Gia đình nhà em có diện tích không rộng nhưng mẹ em đang nuôi hơn 40 con gà Tam hoàng, để thuận tiện em thử nghiệm trực tiếp ngay trên chuồng gà nhà em .
- Công tác chuẩn bị
+ Bước 1: Chuẩn bị chuồng
- Ngăn chuồng gà làm hai phần. Mỗi phần chuồng sẽ tiến hành lót nền chuồng bằng một phương pháp khác nhau. Mỗi ngăn chuồng khoảng 6m
+ Bước 2: Chuẩn bị nguyên liệu đệm lót.
– Xỉ than tổ ong 30kg đập nhỏ thành từng mảnh có kích thước khoảng 0,3 – 0,5 cm.
– Trấu thóc: 10kg
Vôi bột: 4kg
+ Bước 3: Tiến hành lót nền
* Đối với ngăn chuồng thứ nhất :
– Trộn 20 kg xỉ than tổ ong đã đập nhỏ (kích thước khoảng 0,3 – 0,5 cm) với 2kg vôi bột (khoảng 10% của hốn hợp) để khử trùng.
- Trải hỗn hợp xuống đáy ngăn chuồng thứ nhất dày khoảng 5cm.
- Dùng các thanh gỗ nhỏ (thường dùng để làm củi đun) đóng thành phên lưới đặt lên trên cách nền chuồng khoảng 20cm.
* Đối với ngăn chuồng thứ hai
– Cho gà đứng trực tiếp trên nền xi măng (không lót phên gỗ )
– Lấy hốn hợp gồm 10kg xỉ than nhỏ hơn (kích thước khoảng 0,2 cm). Trộn với 10kg trấu để đỡ bụi và gà đứng không bị đau chân rồi thêm 2kg vôi bột để khử trùng (khoảng 10% của hốn hợp ) rải hốn hợp trực tiếp xuống nền chuồng .
Như vậy em có hai phần chuồng diện tích bằng nhau và có cách lót nền khác nhau.
- Tiến hành thử nghiệm
Thả 20 con gà vào ngăn chuồng thứ nhất và 20 con gà vào ngăn huồng thứ hai . Gà nuôi trong hai chuồng được chăm sóc với chế độ giống nhau.
- Theo dõi kết quả
Em bắt đầu nuôi gà vào hai phần chuồng như trên bắt đầu từ ngày 4/5/17. Trọng lượng mỗi con gà mới nuôi là 0,3 – 0,5 kg (gà qua giai đoạn úm).
- Giống gà : Gà Tam Hoàng
- Chế độ ăn uống : Thường ngày em cho gà cả hai ngăn chuồng dùng chế độ ăn uống như nhau chủ yếu là bột ngô và cám gạo .
Trong quá trình nuôi em đã lập bảng theo dõi và được kết quả như sau: